Kinh doanh

Mỹ khẳng định không có đối tác lớn nào thao túng tiền tệ trong năm 2021

Việt Nam và Đài Loan, do không còn đáp ứng cả ba tiêu chí về thao túng tiền tệ nên phía Mỹ sẽ đưa trở lại danh sách giám sát.

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” trong đó kết luận không có đối tác lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ trong năm 2021.

Đồng thời, Mỹ tiếp tục đưa 12 nền kinh tế vào danh sách giám sát trên cơ sở ba tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Danh sách các quốc gia được kể đến bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Mexico, Việt Nam và Đài Loan.

Trong đó, Thuỵ Sĩ là nền kinh tế duy nhất đáp ứng cả ba tiêu chí và Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tiếp xúc nâng cao với Ngân hàng trung ương Thuỵ Sĩ.

Trong khi đó, Việt Nam và Đài Loan, do không còn đáp ứng cả ba tiêu chí, nên phía Mỹ sẽ đưa trở lại danh sách giám sát.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong giai đoạn từ tháng 1-12/2021, Việt Nam đáp ứng tiêu chí được BTC Hoa Kỳ đưa ra là thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ ở mức 90 tỷ USD (ngưỡng 15 tỷ USD).

Từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính Mỹ đã tiến hành tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Mỹ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá.

Tại Báo cáo này, phía Mỹ tiếp tục ghi nhận những bước tiến của Việt Nam. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài Chính Mỹ với Việt Nam ngày 5/4/2022, phía Mỹ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thời gian qua đã thể hiện sự nghiêm túc của NHNN trong việc giải quyết các quan ngại của phía Mỹ và duy trì được ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

NHNN cho biết sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, xây dựng quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.

Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

(Theo: http://vietnambiz.vn/my-khang-dinh-khong-co-doi-tac-lon-nao-thao-tung-tien-te-trong-nam-2021-202261311927340.htm)
Cùng chuyên mục

​Huỳnh Minh Ngời – Hành trình theo đuổi đam mê xây dựng thương hiệu ô tô cỏ uy tín, chân thực và thành công

PHILLIP NGUYEN - TẠO DỰNG NHỮNG NGÔI NHÀ MỚI - HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG VÀ ĐỔI MỚI KHÔNG NGỪNG

Hai dấu hiệu nổi bật giúp nhận diện nguy cơ tín dụng đen

Á VƯƠNG MISTER IDOL VIETNAM 2024 DƯƠNG LÝ HOÀNG PHÚC LÀM GIÁM ĐỐC CUỘC THI “THE FACE UNIVERSITY 2024”

Zô Zô Hello – Nghề làm bố khi tình yêu trở thành sứ mệnh

Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tiếp tục đà tăng giá

BSC dự báo lợi nhuận sau thuế một doanh nghiệp cá tra tăng gấp hơn 5 lần trong năm 2022

Thanh toán không tiền mặt vẫn 'bùng nổ' sau đại dịch

Nhận định chứng khoán phái sinh phiên 15/6: Tiềm ẩn áp lực bán lớn khi VN30-Index tiến gần vùng cản 1.285 điểm

Giá bitcoin lao dốc gây khó khăn cho nhà đầu tư