Kinh doanh

WB: Việt Nam nên hỗ trợ các hộ dân chống chọi với giá xăng tăng cao

"Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng", WB khuyến nghị.

Trong báo cáo Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh kéo dài tại Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc, và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt.

Mặc dù vậy, tổ chức này cảnh báo vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.

"Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

Do cú sốc giá hàng hóa thế giới có vẻ như ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát", WB khuyến nghị. 

Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp, từ 2,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 lên 2,9% vào tháng 5, tương đương với tỷ lệ lạm phát tháng 5/2021.

 

 

 

Giá xăng và dầu diesel tăng vọt - tăng lần lượt đến 5,9% và 4% (so tháng trước) - là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát. 

 

1-20220614102144642.jpg?width=700

Nguồn: WB.

 

Lạm phát giá lương thực, thực phẩm cũng nhích nhẹ từ 1,1% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 lên 1,3% vào tháng 5.

Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng có giá cả do nhà nước quản lý, cũng tăng nhưng với mức tăng thấp hơn, từ 1,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 lên 1,6% vào tháng 5.

Lạm phát giá sản xuất cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 5. Chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tăng với mức tăng chậm nhất trong 3 tháng qua, tuy các chỉ số này vẫn cao hơn xu hướng lịch sử.

Diễn biến giá cả nêu trên cũng có thể thấy qua giá nhập khẩu bình quân một số mặt hàng, được ước tính bằng tỷ số kim ngạch nhập khẩu trên lượng nhập khẩu.

 

 

Giá xăng dầu tiếp tục tăng (so tháng trước) nhưng với tốc độ chậm hơn so với tốc độ tăng trong tháng 2 và tháng 3, trong khi giá than lại giảm sau 2 tháng tăng vọt.

2-20220614102145325.jpg?width=686

 Nguồn: WB.

Sau khi giảm trong tháng 3, giá phân bón và sắt thép tăng nhẹ trong tháng 4 và tháng 5, qua đó khẳng định nhiên liệu nhập khẩu là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc chiến tranh tại Ukraine. 

Giá phân bón tăng 2,8% (so tháng trước) trong tháng 4 và 5,6% trong tháng 5. Giá sắt thép tăng 4,2% (so tháng trước) trong tháng 4 và 1,8% trong tháng 5.

Báo cáo của WB cũng cho biết trong bối cảnh bất định toàn cầu gia tăng, tháng 5 vừa qua, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chậm lại và tăng trưởng nhập khẩu đi ngang. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cũng giảm tháng thứ 4 liên tiếp, trong khi vốn FDI giải ngân ghi nhận chuỗi 6 tháng tăng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 10,4% (so cùng kỳ năm trước), tương đương tốc độ trước đại dịch. Tuy nhiên, sản xuất máy móc, thiết bị giảm tốc từ tốc độ tăng trưởng 26,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 3 xuống còn lần lượt 6,1% và 3,7% vào tháng 4 và tháng 5.

Theo WB, xu hướng chững lại này có thể liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc.

 

3-20220614102712517.jpg?width=700

 Nguồn: WB.

 

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng với tốc độ kỷ lục 22,6% (so cùng kỳ năm trước), cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 12,7% trong tháng 4.

Sự tăng tốc này một phần xuất phát từ hiệu ứng cơ sở thấp do doanh thu bán lẻ tháng 5/2021 đã giảm 2,1% sau khi COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 4/2021, buộc Chính phủ phải áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, một phần lớn hơn, tốc độ tăng trưởng này phản ánh đà đi lên của tiêu dùng trong nước và sự quay trở lại của du khách quốc tế sau khi Chính phủ mở cửa biên giới vào cuối tháng 3/2022.

Khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5, cao hơn khoảng 70% so với tháng 4 và là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, tuy vẫn chưa bằng 16% con số ghi nhận trước đại dịch.

Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 16,9% (so cùng kỳ năm trước) trong khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm mạnh từ 1,73% tại thời điểm cuối tháng 4 xuống chỉ còn 0,33% vào cuối tháng 5.

Nhờ tổng cầu trong nước hồi phục mạnh mẽ nên tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 5 tăng khoảng 29,4% (so cùng kỳ năm trước), giúp ngân sách Nhà nước duy trì bội thu tháng thứ 5 liên tiếp.

Báo cảo cho biết Chính phủ không vay nợ nhiều trên thị trường trong nước, với khối lượng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh phát hành trong 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 14,1% kế hoạch, chưa bằng một nửa tỷ lệ ghi nhận cùng kỳ năm trước

 

(Theo: http://vietnambiz.vn/wb-viet-nam-nen-ho-tro-cac-ho-dan-chong-choi-voi-gia-xang-tang-cao-2022614103948336.htm)
Cùng chuyên mục

​Huỳnh Minh Ngời – Hành trình theo đuổi đam mê xây dựng thương hiệu ô tô cỏ uy tín, chân thực và thành công

PHILLIP NGUYEN - TẠO DỰNG NHỮNG NGÔI NHÀ MỚI - HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG VÀ ĐỔI MỚI KHÔNG NGỪNG

Hai dấu hiệu nổi bật giúp nhận diện nguy cơ tín dụng đen

Á VƯƠNG MISTER IDOL VIETNAM 2024 DƯƠNG LÝ HOÀNG PHÚC LÀM GIÁM ĐỐC CUỘC THI “THE FACE UNIVERSITY 2024”

Zô Zô Hello – Nghề làm bố khi tình yêu trở thành sứ mệnh

Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tiếp tục đà tăng giá

BSC dự báo lợi nhuận sau thuế một doanh nghiệp cá tra tăng gấp hơn 5 lần trong năm 2022

Thanh toán không tiền mặt vẫn 'bùng nổ' sau đại dịch

Nhận định chứng khoán phái sinh phiên 15/6: Tiềm ẩn áp lực bán lớn khi VN30-Index tiến gần vùng cản 1.285 điểm

Giá bitcoin lao dốc gây khó khăn cho nhà đầu tư